BẢN TIN THUẾ THÁNG 05/2021

10:11:06 05/07/2021 Lượt xem 1277 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

Quản lý thuế

Ưu đãi thuế TNDN đối với Dự án sản xuất Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ

Ngày 04/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung Điểm g, Khoản 2, Điều 20, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Nội dung cụ thể như sau:

g) Doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

g1) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

g2) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

g3) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

g4) Cách xác định thời gian ưu đãi còn lại nêu tại điểm g2 và g3 điểm này:

Thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm miễn thuế, số năm giảm thuế, số năm hưởng thuế suất ưu đãi đã được hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác, cụ thể như sau:

– Thời gian miễn thuế còn lại bằng thời gian miễn thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian miễn thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác;

– Thời gian giảm thuế còn lại bằng thời gian giảm thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ di thời gian giảm thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác;

– Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi còn lại bằng thời gian ưu đãi thuế suất theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian ưu đãi thuế suất đã hưởng theo điều kiện ưu đãi khác (nếu có).

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký (ngày 04/06/2021).

Thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Ngày 01/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư có một số điểm nổi bật như sau:

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Hộ kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể nộp thuế theo các phương pháp sau:

– Phương pháp kê khai:

+ Áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng.

Trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được lựa chọn khai thuế theo quý. (Áp dụng theo nguyên tắc của doanh nghiệp).

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.

– Nộp thuế theo từng lần phát sinh: Áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.

– Nộp thuế theo phương pháp khoán: Áp dụng cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo 2 phương pháp trên.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2021.

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Bổ sung đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5%

Ngày 11/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 11, Điều 10, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 về đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung như sau:

Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế.

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Chi phí được trừ đối với khoản chi làm thêm giờ vượt định mức

Ngày 07/5/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 794/CTBNI-TTHT về chính sách thuế. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty do tính chất công việc phải làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo mức quy định của Bộ Luật lao động, nếu Công ty thỏa thuận và được sự đồng ý của người lao động, Công ty thông báo bằng văn bản và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý lao động và việc làm khi tổ chức làm thêm giờ như trên thì khoản tiền làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo quy định mà doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động, có đầy đủ chứng từ hợp pháp theo quy định tại các văn bản về thuế thu nhập doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mở rộng

Ngày 19/5/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 883/CTBNI-TTHT về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp năm 2020, Công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng mới (không được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư hiện có của Công ty – trong đó có phân kỳ và tiến độ đầu tư của nhà máy mới này), đồng thời vốn để đầu tư xây dựng nhà máy nằm ngoài phạm vi tổng vốn đầu tư đã đăng ký thì việc đầu tư xây đựng nhà xưởng mới nếu đủ điều kiện là dự án mở rộng thì thu nhập từ dự án mở rộng này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Bên cạnh đó, thu nhập từ dự án mở rộng này cũng không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án ban đầu cho thời gian còn lại, do dự án mở rộng năm 2020 của Công ty thuộc địa bàn không được ưu dãi thuế TNDN (KCN nằm trên địa bàn các đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh kể từ ngày 25/12/2017 theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Công ty thực hiện hạch toán riêng phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại không được hưởng ưu đãi thuế để xác định số thuế TNDN phải nộp theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại thì thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định theo tỷ lệ nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp.

 

Chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp

Ngày 20/5/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 17151/CTHN-TTHT về chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty trước khi được cấp giấy phép thành lập có ủy quyền cho tổ chức khác chi hộ các khoản chi phí liên quan đến tiền lương, BHXH bắt buộc, công đoàn phí, thuế TNCN và các chi phí mua bán khác thì các hóa đơn, chứng từ mang tên tổ chức được ủy quyền được coi là chứng từ hợp lý, hợp lệ để hạch toán vào chi phí hợp lý được trừ của Công ty khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

 

Gia hạn nộp thuế TNDN theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP trong trường hợp năm tài chính khác năm dương lịch

Ngày 24/5/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 18037/CTHN-TTHT về việc gia hạn nộp thuế TNDN theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP trường hợp năm tài chính khác năm dương lịch. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế theo quy định tại Điều 2, Nghị định 52/2021/NĐ-CP theo năm tài chính không trùng năm dương lịch thì thời hạn nộp thuế được gia hạn xác định vụ hợp với kỳ tính thuế TNDN của Công ty.

 

Hải quan

Mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu

Ngày 18/5/2021, Tổng cục Hải Quan ban hành Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ về việc ban hành bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn. Nội dung cụ thể như sau:

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2021 và thay thế công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015 của Tổng cục Hải quan về mã loại hình XNK trên hệ thống VNACCS.

Đối với các tờ khai hải quan đã đăng ký theo loại hình tương ứng trước ngày Quyết định này có hiệu lực, nếu có thay đổi mục đích sử dụng, đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình xuất khẩu, nhập khẩu mới thì sử dụng mã loại hình theo quy định tại Quyết định này kể từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.

Đối với các mã loại hình đã được quy định tại Quyết định này nhưng thủ tục hải quan chưa được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính thì chưa thực hiện cho đến khi có quy định cụ thể.

 

Hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ngày 01/6/2021, Tổng cục Hải Quan ban hành Công văn số 2687/TCHQ-TXNK hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP. Công văn có một số điểm nổi bật như sau:

Hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu

– Thuê gia công lại trong nội địa

Người nộp thuế có hợp đồng gia công, sản xuất được giao một phần hay toàn bộ hàng hóa nhập khẩu hoặc bán thành phẩm được gia công từ hàng hóa nhập khẩu để thuê tổ chức, cá nhân khác trong nội địa gia công lại một hoặc một số công đoạn hoặc toàn bộ các công đoạn thì được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu giao gia công lại nếu đáp ứng quy định về cơ sở xác định hàng hóa được miến thuế tại Khoản 2, Điều 10, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Trường hợp sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu phải nộp thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư.

– Thuê gia công lại trong khu phi thuế quan hoặc nước ngoài

Trường hợp người nộp thuế giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhập khẩu hoặc bán thành phẩm được gia công từ hàng hóa nhập khẩu để thuê tổ chức, cá nhân khác tại khu phi thuế quan hoặc nước ngoài gia công lại thì hàng hóa nhập khẩu, bán thành phẩm giao gia công lại được miễn thuế xuất khẩu theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Sản phẩm thuê gia công nhập khẩu trở lại phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định.

– Phế liệu, phế phẩm gia công, sản xuất

+ Phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công, sản xuất được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy theo quy định của pháp luật hải quan được miễn thuế nhập khẩu.

+ Phế liệu, phế phẩm tạo ra trong quá trình gia công xuất trả lại cho bên nước ngoài đặt gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định.

+ Phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gai công, sản xuất khi chuyển tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu, người nộp thuế không phải làm thủ tục hải quan nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biết, thuế bảo vệ môi trường (nếu có).

Đối với phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công, sản xuất đã chuyển tiêu thụ nội địa trước ngày 25/4/2021 thì người nộp thuế vẫn phải kê khai nộp thuế GTGT cho cơ quan hải quan.

Điều kiện giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan

Các khu vực doanh nghiệp chế xuất được sử dụng để lưu giữ hàng hóa như kho, bãi giữ nguyên vật liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm, máy móc, thiết bị và các hàng hóa không chịu thuế khác phải có camera quan sát; đối với các khu vực khác tại doanh nghiệp chế xuất được bố trí để sản xuất, sử dụng hàng hóa như nhà xưởng, văn phòng, nhà ăn… thì không yêu cầu có camera.

 

Lao động

Tự động gia hạn tạm trú cho người nước ngoài bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19

Ngày 04/6/2021, Cục Xuất nhập cảnh – Bộ công an đã thông báo về việc tiếp tục tự động gia hạn tạm trú cho người nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch từ ngày 01/3/2020 đến nay tiếp tục được “tự động gia hạn tạm trú” đến hết ngày 30/6/2021, có thể xuất cảnh trong thời gian trên mà không phải làm thủ tục gia hạn tạm trú. Trường hợp nhập cảnh trước ngày 01/3/2020 nếu chứng minh được bị mắc kẹt do dịch Covid-19, được Cơ quan đại diện ngoại giao xác nhận bằng Công hàm (có bản dịch Tiếng Việt) hoặc có văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền Việt Nam về việc bị cách ly, điều trị Covid-19 hoặc lý do bất khả kháng khác… cũng được xem xét áp dụng “tự động gia hạn tạm trú” đến hết 30/6/2021 và phải xuất trình Công hàm hoặc văn bản xác nhận nêu trên khi xuất cảnh.

Công dân nước ngoài trong thời gian được “tự động gia hạn tạm trú” phải khai báo tạm trú và khai báo y tế theo quy định.

Công dân nước ngoài không thuộc diện quy định tại mục 1 của Thông báo này hoặc có các vi phạm pháp luật khác, thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Bài viết liên quan:

Khách hàng

Cám ơn hàng trăm khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi

0901.595.958
zalo icon